Công nghệ mới đem lại giá trị cao hơn 10-15% so với sản phẩm cũ, có thể sản xuất được gạch cỡ lớn lên tới 1000×1000 mm.
Gạch ốp lát cỡ lớn với nhiều ưu điểm
Từ năm 2017 Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án đổi mới công nghệ sản xuất gạch ốp lát cao cấp khổ lớn để cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, giao Công ty cổ phần đầu tư phát triển VICENZA (Thanh Hóa) chủ trì.
Ông Lê Văn Cường, thư ký dự án cho biết, khi triển khai nhiệm vụ, nhóm đã tiếp nhận dây chuyền công nghệ, thiết bị từ nhà cung cấp Italy, Trung Quốc… Sau thời gian tiếp nhận công nghệ, đến tháng 1/2020 dây chuyền hoạt động thử nghiệm. Sau 8 tháng thử nghiệm, tháng 9/2020 dây chuyền được ứng dụng sản xuất trực tiếp.
“Ở thời điểm thực hiện dự án, tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào làm chủ được công nghệ sản xuất này”, ông Cường nói. “Công nghệ mới đem lại giá trị cao hơn 10-15% so với sản phẩm cũ, có thể sản xuất được gạch cỡ lớn lên tới 1000×1000 mm”.
Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ này, hao phí nhiên liệu đã giảm rõ rệt. Ông Cường cho biết, theo tiêu chuẩn ngành sản xuất gốm sứ, nhiệt năng tiêu thụ là khoảng 2000 kCal/kg sản phẩm. Khi áp dụng công nghệ này thì còn 1764 kCal/kg sản phẩm, mức giảm tương đương 13%.
Sản phẩm gạch ốp lát khổ lớn có nhiều ưu điểm như không có các đường ron khi thi công, tạo cảm giác nguyên khối, mang đến thẩm mỹ cao cho không gian. Với kích thước lớn, gạch có thể dễ dàng cắt thành các hình dạng, kích thước, phù hợp với nhiều bề mặt khác nhau.
Sản xuất không hề đơn giản
Để sản xuất được gạch ốp lát cỡ lớn, phải có công nghệ ép thủy lực tấm lớn, máy in kỹ thuật số khổ lớn, lò nung sử dụng tấm vách nano khổ rộng, máy mài bóng nano.
Theo ông Cường, đây đều là những thiết bị có giá thành cao, không dễ vận hành, làm chủ công nghệ chuyển giao, đặc biệt trong điều kiện ở Việt Nam. Năm 2017, dự án được khởi động với việc đầu tư một dây chuyền công nghệ hoàn thiện để sản xuất gạch ốp lát tấm lớn tại Việt Nam.
Quy trình sản xuất gạch ốp lát xương bán sứ khổ lớn cao cấp qua các bước cân, nạp nguyên liệu xương, sau đó nghiền, sàng, sấy phun tạo bột, đưa vào lô chứa để ép tạo hình. Tiếp đến đưa vào sấy 5 tầng, tráng men lót và in kỹ thuật số, in bảo vệ rồi tráng men mài, đưa vào lò sấy tiền nung. Sản phẩm sau đó được đưa vào lò nung rồi mài bóng, mài cạnh, phủ nano carbon, phân loại, dán màng và bao gói, nhập kho.
Ông Cường cho biết, để dây chuyền có thể vận hành, nhiều thông số được nghiên cứu, thử nghiệm để điều chỉnh, phù hợp với nguyên liệu trong nước. Máy có chu kỳ ép 9 lần/phút, lực ép lên tới 45.000 KN/cm2. Các thông số phải điều chỉnh để gạch không nứt cạnh khi ép khổ lớn, lực dàn đều toàn bộ viên gạch, các lần ép khác nhau có lực giống hệt nhau.
Cùng với máy ép thủy lực, dự án đã đầu tư máy in kỹ thuật số khổ rộng đến 1,0 m, tốc độ in 30 m/phút ở chế độ HD; lò nung khổ rộng với các tấm vách nano chịu được nhiệt độ từ 1050 đến 1200 độ C, có khả năng cách nhiệt gấp 3 đến 4 lần so với các tấm cách nhiệt thông thường; và ứng dụng công nghệ mài bóng nano bằng cát hạt silicat có kích thước cỡ nanomet (10-9m). Công nghệ này có ưu điểm độ bóng trên 95%, bảo vệ bề mặt, không thấm nước, chống trầy xước, chống bán bẩn, không bị tác động của thời tiết, độ ẩm, bền màu cao.
Được biết, trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, trước đây Việt Nam chỉ có thể sản xuất được khổ nhỏ (600×600 mm), vì vậy với những gạch khổ lớn phải nhập khẩu.
Việc một doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bài bản để sản xuất gạch xương bán sứ mang lại rất nhiều tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao. Những thành tựu này nay đã được đưa vào dây chuyền sản xuất trực tiếp, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nguyễn Nguyễn